Cơ chế cạnh tranh

Cơ chế cạnh tranh trong kinh tế và chính trị giúp ích gì cho sự phát triển của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập WTO.

The image “https://i0.wp.com/www.fetp.edu.vn/global/fileinclude/images/vnn0055.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.Trong kinh tế

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa sang nền kinh tế thị trường, hoạt động chủ yếu dựa vào những quy luật của thị trường trong đó kinh tế tư nhân chiếm một tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế và giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Trong nền kinh tế đó, nhà nước chỉ giữ vai trò điều tiết bằng các chính sách kinh tế vĩ mô chứ không phải can thiệp bằng những mệnh lệnh hành chính.

Tư nhân hóa, ở Việt Nam còn gọi là cổ phần hóa, là một giai đoạn quan trọng trong quá trình này, đó cũng là giai đoạn mà Liên Xô cũ và các nước Đông Âu đã trải qua trong quá trình chuyển đổi từ hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa sang hệ thống tư bản chủ nghĩa.

Đó cũng là giai đoạn mà Việt Nam bắt buộc phải trải qua để hội nhập hoàn toàn vào sân chơi chung của kinh tế thế giới.

Bản chất của tư nhân hóa là việc chuyển đổi sở hữu công sang sở hữu tư, bán tài sản nhà nước cho tư nhân. Tư nhân hóa đúng cách sẽ giúp nhà nước thu được tiền để bổ sung vào ngân sách đang trong tình trạng thiếu hụt, các công ty nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần hóa và quan trọng nhất là làm cho nền kinh tế trở nên cạnh tranh hơn, không còn xảy ra tình trạng độc quyền như trước.

Với cơ chế cạnh tranh, các công ty được cổ phần hóa sẽ hoạt động tốt và hiệu quả hơn, đóng góp rất nhiều vào quá trình phát triển kinh tế.

Liệu pháp tư nhân hóa mà Việt Nam đang sử dụng mặc dù theo các chuyên gia kinh tế diễn ra khá chậm chạp nhưng vẫn chứng tỏ rằng chính phủ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản khẳng định đi theo con đường phát triển nền kinh tế thị trường.

Là một thanh niên được giáo dục và trưởng thành tại Việt Nam nhưng tôi mong muốn được góp phần vào sự phát triển của đất nước thông qua những cuộc tranh luận nghiêm túc và bổ ích trên các phương tiện thông tin đại chúng với các bạn trẻ Việt Nam khắp nơi trên thế giới.
Hoàng Xuân Ba

Như vậy, cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà các văn kiện Đảng hay dùng nhằm chỉ đến yếu tố chính trị đó là Đảng Cộng sản vẫn giữ vai trò lãnh đạo toàn diện, nói cách khác đó là Đảng Cộng sản không muốn chia sẻ quyền lực cho các đảng phái khác hơn là nói về yếu tố kinh tế trong đó thành phần kinh tế nhà nước chiếm một tỉ trọng áp đảo.

“Định hướng xã hội chủ nghĩa” có tốt cho sự phát triển của đất nước hay không? Đó là một vấn đề cần được thảo luận một cách nghiêm túc.

Ở đây người viết chỉ muốn đưa ra một ví dụ rất nhỏ trong kinh tế đó là dịch vụ di động. Khi vừa mới ra đời, dịch vụ di động của Việt Nam chỉ do hai công ty Mobifone và Vinafone, cùng thuộc một đơn vị chủ quản là Tổng công ty Bưu chính – Viễn thông Việt Nam quản lý. Do đó hai công ty này thiếu tính cạnh tranh từ đó dẫn đến một dạng độc quyền trong kinh doanh.

Hậu quả là những người sử dụng dịch vụ di động thời kỳ đầu luôn phải chịu thiệt thòi khi gọi một giây nhưng phải tính tiền tới một phút, cước phí hòa mạng rất cao, chất lượng dịch vụ thấp, thường xuyên bị nghẽn mạng…

Thế nhưng kể từ khi xuất hiện một công ty tư nhân mang tính cạnh tranh cao là S-fone đe dọa sự thống trị trong lĩnh vực dịch vụ di động của hai công ty trên thì tình hình trở nên khác hẳn. Những chương trình quảng cáo, khuyến mãi, phục vụ khách hàng chu đáo liên tục được tung ra nhằm mục đích lôi kéo và giữ chân khách hàng. Và cho đến nay, dịch vụ di động đã trở nên hoàn thiện hơn, khách hàng ít phàn nàn hơn trước rất nhiều.

Điều đó cho thấy trong nền kinh tế, sự cạnh tranh luôn là một động lực giúp cho các công ty luôn tự mình thay đổi để tồn tại và phát triển. Thiếu đi sự cạnh tranh, động lực phát triển sẽ biến mất và các công ty sẽ trở nên sống lây lất, vất vưởng.

Cạnh tranh là một yếu tố cần thiết để phát triển một nền kinh tế thị trường. Vậy yếu tố cạnh tranh có vai trò gì trong lĩnh vực chính trị?

Trong chính trị

Bây giờ chúng ta hãy tưởng tượng rằng Nhật Bản là một quốc gia do một Đảng LPD lãnh đạo một cách thống nhất và toàn diện, điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn là Nhật Bản sẽ không xảy ra những bất ổn về chính trị như trong thời gian vừa qua.

Những vụ bê bối trong vấn đề làm ăn của các bộ trưởng Nông nghiệp sẽ được giữ kín, nếu có bị báo chí phanh phui thì với sự nắm giữ quyền lực của mình Đảng LPD sẽ tiếp tục nắm giữ vai trò lãnh đạo và chủ tịch Đảng LPD sẽ vẫn là thủ tướng Nhật Bản bất chấp ông không có khả năng lựa chọn một nội các tốt.

Bản thân tôi nghĩ rằng đa đảng thì tốt hơn một đảng bởi vì nó tạo ra một cơ chế cạnh tranh trong chính trị.
Hoàng Xuân Ba

Bù lại Nhật Bản không thể có được một cơ chế “tự điều chỉnh” trong hoạt động chính trị như chúng ta đã thấy trong thực tế, một thủ tướng mới của Nhật Bản đã lên nắm quyền thay thế cho vị thủ tướng không đạt được lòng tin của dân chúng.

Khi quyền lực nhà nước được tập trung vào trong tay một đảng phái duy nhất cạnh tranh được thay thế bằng độc quyền. Như vậy, Đảng LPD sẽ mất đi động lực để tự thay đổi mình một cách tốt hơn để có thể phát triển. Các vụ tham nhũng, bê bối về tài chính sẽ được các Đảng viên che đậy, người dân mất niềm tin vào chính phủ. Không có được các Đảng khác đóng vai trò phản biện các chính sách kinh tế, những chính sách kinh tế sai lầm sẽ được áp dụng, kinh tế Nhật Bản sẽ nhanh chóng xuống dốc.

Với tình trạng như thế tôi nghĩ rằng sự bất ổn kinh khủng về chính trị, kinh tế, xã hội… của Nhật Bản sẽ xảy ra với một tốc độ nhanh hơn chúng ta tưởng tượng.

Với một tưởng tượng nhỏ trên, chúng ta có thể nhìn ra được một xã hội từ đa đảng chuyển sang một đảng sẽ như thế nào?

Bản thân tôi nghĩ rằng đa đảng thì tốt hơn một đảng bởi vì nó tạo ra một cơ chế cạnh tranh trong chính trị. Những khiếm khuyết trong các chính sách vĩ mô của đảng này sẽ được đảng kia phản biện, từ đó buộc các nhà lãnh đạo đất nước phải sửa đổi đường lối của họ. Hơn thế nữa cơ chế cạnh tranh trong chính trị sẽ giúp người dân chọn lựa một cách tự do những người đại diện cho mình trong hệ thống chính trị, các vị đại biểu quốc hội buộc phải quan tâm hơn đến những nguyện vọng của người dân hơn là nguyện vọng của đảng.

Lord Acton, một sử gia người Anh sống vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã từng nói: “Quyền lực có xu hướng tha hóa; quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối”, việc sử dụng cơ chế cạnh tranh trong chính trị sẽ giúp hạn chế xu hướng lạm quyền và qua đó hạn chế việc tha hóa của các quan chức nhà nước.

Nói về Việt Nam, Đảng Cộng sản thừa nhận rằng tham nhũng đang là quốc nạn, tôi nghĩ rằng điều đó hoàn toàn chính xác. Nhưng nếu đi sâu hơn thì chính cơ chế tập trung quyền lực vào trong tay một số người đã dẫn đến tình trạng tha hóa.

Tại sao các quan chức nhà nước dám tham nhũng? Đơn giản bởi vì họ nghĩ rằng với cơ chế hiện nay họ có thể ém nhẹm tất cả mọi thông tin, nếu có bị phanh phui thì chính Đảng cũng sẽ bảo vệ cho họ. Nếu làm lớn chuyện hơn thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, khiến cho người dân không còn tin vào Đảng.

Từ cấp địa phương cho đến trung ương, chuyện tham nhũng từ nhỏ đến lớn ở Việt Nam xảy ra hàng ngày mà cho đến nay dù đã thành lập ban chỉ đạo chống tham nhũng cấp chính phủ nhưng vẫn không thể nào giải quyết được vấn đề bởi vì thiếu tính cạnh tranh giữa những người đang nắm giữ quyền lực với nhau.

Có thể lấy rất nhiều ví dụ khác nhau của các nước trên thế giới để chứng minh rằng rất nhiều quốc gia có thể chế chính trị đa đảng nhưng không dân chủ.
Hoàng Xuân Ba

Việt Nam có nên đa đảng?

Với những phân tích trên tôi nghĩ rằng nên bởi vì nó sẽ giúp cho Việt Nam có một nền chính trị tốt hơn nhưng không phải là trong tương lai gần bởi vì tôi chưa thấy được một lộ trình cụ thể và khả thi để hiện thực hóa điều đó. Và tôi cũng nghĩ rằng đa đảng chỉ là một yếu tố cần nhưng chưa đủ để xây dựng một nền dân chủ thật sự vững chắc.

Có thể lấy rất nhiều ví dụ khác nhau của các nước trên thế giới để chứng minh rằng rất nhiều quốc gia có thể chế chính trị đa đảng nhưng không dân chủ.

Như vậy vấn đề mà tôi nghĩ những người đấu tranh dân chủ như bạn Nguyễn Tiến Trung cần phải làm sáng tỏ đó là dân chủ là gì và và không là gì? Để đạt được mục tiêu dân chủ thì cần phải vận động các bạn thanh niên để họ hiểu rõ dân chủ từ đó ủng hộ tập hợp thanh niên dân chủ hơn là những bài viết chỉ trích và phê phán thể chế chính trị hiện tại của Việt Nam nhưng không đưa ra những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề.

Không có được sự ủng hộ của đông đảo các bạn trẻ ở VN thì dù cho bạn viết hàng ngàn lá thư kiến nghị gởi Đảng Cộng sản thì họ cũng sẽ bỏ ngoài tai bởi vì không có sức ép từ bên dưới thì bên trên sẽ không bao giờ muốn chia sẻ quyền lực.

Còn với bạn Lê Hoàn nếu bạn vẫn cho rằng một đảng lãnh đạo sẽ tốt cho Việt Nam ở cả hiện tại lẫn trong tương lai vài chục năm sau và nhất là hạn chế được nạn tham nhũng thì tôi đề nghị bạn có thể chứng minh rõ hơn luận điểm của mình.

Trong tinh thần tôn trọng sự khác biệt, tôi, bạn và Nguyễn Tiến Trung sẽ trao đổi với nhau thật rõ ràng hơn mọi vấn đề.

Là một thanh niên được giáo dục và trưởng thành tại Việt Nam nhưng tôi mong muốn được góp phần vào sự phát triển của đất nước thông qua những cuộc tranh luận nghiêm túc và bổ ích trên các phương tiện thông tin đại chúng với các bạn trẻ Việt Nam khắp nơi trên thế giới.